“Sản xuất lúa Nhật” là mô hình do Công ty TNHH Angimex - Kitoku (liên doanh giữa Công ty TNHH Angimex thuộc Công ty CP XNK An Giang với Công ty Kitoku Nhật Bản) triển khai. Bốn giống lúa: Hana, Kinu, Akita và KZ4 được mang từ Nhật sang. Theo nhận định của các chuyên gia, lúa Nhật rất thích hợp để phát triển trên vùng đất còn nhiễm phèn ở khu vực ĐBSCL.
Cán bộ kỹ thuật theo dõi đồng ruộng trồng lúa Nhật ở An Giang Ảnh: NGỌC TRINH
Nhiều nông dân tham gia mô hình này cho biết trong vụ đông xuân vừa qua, Công ty TNHH Angimex - Kitoku ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân với giá 5.800 đồng/kg. Mặc dù có lúc giá lúa rớt còn 4.000 đồng/kg nhưng công ty vẫn mua theo đúng hợp đồng đã ký. Ngược lại, cũng có trường hợp thương lái đến tận nơi hỏi mua với giá 6.000 đồng/kg nhưng nông dân nhất quyết không bán vì muốn giữ chữ tín với đối tác.
“Làm ăn với người Nhật phải hết sức nghiêm túc, bảo đảm sản xuất đúng quy trình từ khâu chọn giống, gieo cấy, chăm sóc... Đặc biệt, người Nhật rất chú trọng khâu khử lẫn để sản phẩm làm ra có sự đồng nhất cao. Lúa sau khi thu hoạch phải thật khô và sạch. Bù lại, nếu hạt lúa đạt yêu cầu thì công ty sẽ mua ngay cho nông dân với giá cao”- ông Sáu Đức thông tin thêm.
Lợi nhuận hấp dẫn
Theo lão nông Trần Văn Ngon (ngụ xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên), làm lúa kiểu Nhật không dễ nhưng cũng không khó. Là nông dân “hạng trung bình” nhưng nhiều năm nay, ông chỉ có một lần không được thưởng do bị rầy gây hại quá nặng. Mấy chục năm làm lúa, ông tính ra làm lúa kiểu Nhật có lợi nhuận trung bình gần gấp đôi lúa thường.
“Vụ đông xuân vừa rồi, tôi bán được giá 8.200 đồng/kg (lúa khô). Ngoài ra, do làm đạt yêu cầu nên công ty còn thưởng thêm 400 đồng/kg. Nếu nông dân nào làm giỏi, đạt năng suất trên 10 tấn/ha thì cầm chắc tiền lời khoảng 65 triệu đồng. Cái mà nông dân chúng tôi yên tâm nhất chính là mức lời ổn định. Làm lúa mà thấy được lợi nhuận trước mắt thì ai cũng mê”- ông Ngon hồ hởi.
Ông Akira Omori, Phó Giám đốc Công ty TNHH Angimex - Kitoku, cho biết thật ra công ty đã có mặt tại An Giang trên 20 năm. Tuy nhiên, phải mất hơn chục năm để khảo nghiệm và thử nghiệm cây lúa Nhật trên nhiều vùng đất khác nhau, sau đó mới triển khai cho nông dân áp dụng. “Để đáp ứng nhu cầu hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân, năm 2014, công ty đã xây dựng kho chứa lớn tại Ba Thê (huyện Thoại Sơn) để có thể mua lúa tươi và lúa khô trong khu vực. Đây là bước tiến gần hơn đến với nông dân vì ích lợi của nông dân cũng là lợi ích của doanh nghiệp” - ông Akira Omori nói.
Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Angimex - Kitoku đã phát triển vùng nguyên liệu lên 3.000 ha (trong 3 vụ) với tổng sản lượng thực mua của nông dân theo hợp đồng là trên 30.000 tấn lúa hàng hóa để xuất khẩu và 2.000 tấn lúa giống.
Không nên trồng đại trà
GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng lợi nhuận từ việc trồng lúa Nhật đã quá rõ. Nông dân cũng không quá khó để làm theo đúng quy trình của người Nhật. Tuy nhiên, tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch vẫn còn lớn vì bông lúa rất dai. Do đó, chỉ có loại máy gặt sản xuất từ Nhật Bản mới giải quyết được vấn đề này.
“Mặc dù nhiều doanh nghiệp tranh nhau mua cho bằng được lúa Nhật để chế biến xuất khẩu nhưng không vì thế mà nông dân trồng đại trà trên diện rộng. Bởi hiện tại, thị trường tiêu thụ loại lúa này không lớn, chủ yếu do công ty Nhật làm theo nhu cầu của họ”- GS-TS Võ Tòng Xuân khuyến cáo.
Thốt Nốt