Những ngày này, đi trên Quốc lộ 25, đoạn qua thôn Định Thắng, thị trấn Phú Hòa (Phú Hòa - Phú Yên), thấy nhiều xe chất đầy khóm (dứa) đang bon bon trên đường đưa đi tiêu thụ. Nhờ trồng khóm mà người dân nơi đây có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.
Thu nhập cao
Xóm Khóm là tên gọi của một khu dân cư ở thôn Định Thắng (thị trấn Phú Hòa), nơi có hơn 60 hộ dân sống dựa vào nghề trồng khóm. Ông Nguyễn Văn Đông, người dân trong xóm kể: “Trước đây, hầu hết các hộ dân ở xóm này đều nghèo khó, đông con, nhà nào cũng phải chạy ăn từng bữa bởi đất đai bạc màu, nghèo dinh dưỡng, không biết trồng loại cây gì cho thích hợp. Cách đây mười mấy năm, có người bạn xa quê lâu ngày về chơi đã giới thiệu cho tôi cách trồng khóm để tăng thu nhập. Năm đó, tôi lên đồng Din, một khu đồi rộng hơn 300ha, cách trung tâm thị trấn Phú Hòa khoảng 7-8km về hướng Tây để phát rẫy, trồng thử nghiệm 1 sào khóm. Qua 1- 2 vụ, thấy khóm cho thu nhập cao, được thị trường ưa chuộng nên tôi rủ người dân trong xóm cùng trồng. Đến nay, vợ chồng tôi có 6ha khóm đang trong độ thu hoạch. Vào chính vụ, tôi phải huy động tất cả mọi người trong nhà lên đồng Din bẻ khóm bán, mỗi ngày đút túi hơn 5 triệu đồng”.
Ông Lê Thanh Tòng, một “triệu phú” ở xóm Khóm cho biết: Khóm thuộc loại cây lâu năm nên thời gian đầu, người ta phải bỏ tiền đầu tư mua giống, phân bón, thuê công làm cỏ. Hầu hết các hộ trồng khóm đều phải vay mượn hàng chục triệu đồng để “vào nghề”. Thế nhưng sau hơn 1 năm chăm sóc, khóm bắt đầu ra trái ổn định, người trồng cứ thế thu hoạch, bán cho thương lái. Hiện, khóm chính vụ có giá 30.000 - 40.000 đồng/chục, trái vụ 60.000 - 70.000 đồng/chục.
Theo ông Tòng, cây khóm có thể cho trái quanh năm, nếu biết cách chăm sóc thì không ai bị lỗ vốn. “Sau một thời gian trồng khóm, gia đình tôi đã trả hết nợ và cứ thế lai rai thu vào 40-50 triệu đồng/năm/ha. Cây khóm không những giúp chúng tôi đổi đời mà còn xây được nhà cửa khang trang, cho con cái học hành đàng hoàng nên ai cũng muốn gắn bó với nghề”, ông Tòng chia sẻ.
Trồng khóm theo quy trình VietGAP
Mùa này đang vào chính vụ, xóm Khóm tấp nập người bán kẻ mua. Nhiều thương lái lên tận đồi để đặt hàng rồi chuyển đi tiêu thụ. Những sọt khóm chín vàng ươm, thơm lừng vừa được nông dân thu hoạch xong đã nhanh chóng được đưa lên xe để chuyển đi ngoại tỉnh. Bà Trần Thị Thanh Thảo, thương lái chuyên thu mua khóm bán cho các tỉnh phía Nam cho biết: Khóm đồng Din có vị ngọt thanh, giá cả lại phải chăng nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, so với các vùng khác, năng suất khóm đồng Din chưa ổn định, trái cũng không đồng đều. Một số thời điểm, thị trường đang tiêu thụ mạnh nhưng chúng tôi vẫn “đứt hàng” vì khóm ở đây bị sâu bệnh, khô chết cây, không ra trái kịp thời.
Để xây dựng thương hiệu khóm đồng Din, mới đây, UBND huyện Phú Hòa đã triển khai dự án trồng khóm theo quy trình VietGAP, đồng thời đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu khóm đồng Din. Tuy nhiên, vì hạ tầng vùng trồng khóm chưa được xây dựng đồng bộ, người dân thiếu vốn để mở rộng diện tích và cũng chưa được hướng dẫn bài bản về kỹ thuật trồng, chăm sóc nên năng suất khóm đồng Din chưa ổn định.
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Hòa, thời gian tới, các ngành có liên quan sẽ mở lớp tập huấn cho nông dân trồng khóm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn xây dựng đường, điện và hồ chứa nước để phục vụ sản xuất khóm theo quy trình VietGAP.