Thạc sĩ Trần Thị Oanh Yến và các cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đã thực hiện công trình nghiên cứu trên giống cam sành nhằm mục đích: Tạo giống/dòng cam sành mới không hoặc ít hạt, hình dạng quả đẹp, phẩm chất ngon từ cây cam sành thương phẩm đang được ưa chuộng trong sản xuất.
Từ dòng cam sành (CS8) có số lượng 10-23 hạt/quả, sau khi được chiếu xạ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã tạo ra được dòng cam sành không hạt mang tên LĐ6 với nhiều đặc tính nổi trội như: Tỷ lệ hạt phấn bất dục cao (70%), số hạt/quả thấp (dưới 2 hạt/quả) và ổn định trong tất cả các quả ở tất cả các cây (khảo sát từ năm 2002-2010).
Giống cam không hạt LĐ6 sẽ được cung cấp cho các nhà vườn trong thời gian tới.
|
Giống cam sành mới này có thịt quả màu vàng cam, sáng đẹp, vỏ quả ít sần và bóng hơn so với cam sành hiện tại. Khối lượng quả trung bình của LĐ6 là 237gram, nước quả nhiều (trên 40%), vị ngọt chua, mùi thơm đặc trưng giống như cam sành thương phẩm. Năng suất của LĐ6 khá cao (20-25kg/cây/năm đối với những cây 3 năm tuổi).
Dòng cam sành không hạt LĐ6 đã được Hội đồng công nhận giống - Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) công nhận tạm thời là giống cây trồng mới để sản xuất tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ. Cũng từ dòng cam sành LĐ6, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đã vi ghép tạo cây sạch bệnh (S0) đang được lưu giữ trong nhà lưới chống côn trùng. Thời gian tới, giống LĐ6 sẽ được Viện cung cấp cho các nhà vườn qua Công ty Tư vấn và đầu tư phát triển nghề vườn, thuộc Viện.