Ông Ðinh Xuân Toản chăm sóc vườn cà chua
Từ những nhà nông canh tác đại trà và không có kế hoạch sản xuất, bị ép giá hoặc phải chấp nhận lỗ nay họ sắm được xe chở hàng, ổn định kinh tế, mở rộng trang trại... Bí quyết thành công của những nông dân đó là ngoài kỹ thuật trồng trọt, luôn cập nhật những kiến thức mới còn có sự am hiểu nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, nhất là phải có đầu ra ổn định.
Bán hàng cho nhà phân phối lớn không dễ
Trong thời kỳ hiện nay, việc làm nông không đơn thuần là làm theo cảm tính và kinh nghiệm sẵn có của nông dân. Người tiêu dùng, nhất là các nhà phân phối bây giờ cũng trở nên "khó tính" và đa dạng hơn rất nhiều, ngoài những yêu cầu cao về mẫu mã sản phẩm, chất lượng và quy cách sản phẩm, đặc biệt là các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cũng được đòi hỏi một cách khắt khe.Xuất thân là một giáo viên, bà Thu Cúc ngụ tại Suối Vàng (Ðà Lạt) bắt đầu làm nông sau khi về hưu năm 2007. Thời điểm đó, bà hầu như không có kinh nghiệm về nông nghiệp mà phải tự học từng bước thông qua các tài liệu và sự tư vấn của bạn bè. Bà Cúc cho biết: "Ban đầu tôi tự học hỏi mọi kỹ thuật nhưng không biết sản phẩm mình làm ra có thật sự chất lượng hay không vì thương lái thu mua chỉ quan tâm sản phẩm làm ra đẹp hay xấu để ra giá mua và thường xuyên bị ép giá. Muốn bán được cho những nhà cung cấp lớn khó lắm vì họ áp dụng rất nhiều tiêu chuẩn. Không chỉ kiểm tra chất lượng, vệ sinh của từng đợt hàng mà họ còn kiểm tra cả quá trình canh tác của nông dân. Ngay cả việc thu hoạch theo cách nào hay quy cách giao hàng cũng phải bảo đảm trong khi bản thân tôi lại không biết áp dụng tiêu chuẩn nào để vừa ý khách hàng.
Trước khi các tiêu chuẩn về Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) ra đời năm 2008, nước ta đã có rất nhiều chương trình sản xuất nông sản an toàn đối với rau, quả, và cây dùng làm thức uống. Nhiều nơi các quy định đó đã xây dựng thành quy trình phổ biến cho nông dân thực hiện và mang lại các kết quả đáng khích lệ. Tại Ðà Lạt, năm 2005, Tổ chức Thị trường quốc tế đã tổ chức chứng nhận GAP cho một số cơ sở sản xuất rau và cà-phê. Năm 2006, Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam cũng bắt đầu tổ chức tập huấn thực hành nông nghiệp theo tiêu chuẩn Global GAP để tạo nguồn rau quả sạch phân phối ra thị trường. Ông Ðinh Xuân Toản, nông dân tại xã Ðạ Ròn, huyện Ðơn Dương, tỉnh Lâm Ðồng cho biết: "Ban đầu, chúng tôi thấy khá bất tiện vì phải học hỏi kỹ thuật chăm sóc mới bằng cách như cách ly, cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, ghi nhật ký... Việc ghi chép nhật ký tưởng như phức tạp nhưng lại có hiệu quả, trước đây chúng tôi chỉ nhớ nhẩm nên thường xảy ra nhầm lẫn, việc ghi chép cũng giúp chúng tôi rút được kinh nghiệm từ các vụ mùa trước như cách sử dụng phân bón, các loại sâu bệnh có thể gặp phải... giúp chúng tôi chủ động hơn trong các vụ sau và đáp ứng được nhu cầu khách hàng".
Làm giàu từ nông nghiệp không khó
Nắm được nhu cầu thị trường ngày càng quan tâm tới các sản phẩm an toàn và định hướng về nhu cầu thị trường tốt, nông dân bắt đầu từng bước đi vào sản xuất có kế hoạch theo đơn đặt hàng từ doanh nghiệp. Bà Cúc chia sẻ với chúng tôi: "Tôi nhận thấy thị trường rau mùi khá tiềm năng mà chưa nhà vườn nào đầu tư cho nên tôi bắt đầu chuyên canh những loại rau mùi theo đơn đặt hàng. Rau mùi tùy theo loại, có loại đến ba hoặc năm năm mới phải thay một lần nên vốn đầu tư thấp mà giá bán các loại rau này rất cao". Hiện nay trang trại của bà Cúc trồng các loại rau mùi như ngò, húng, quế tây... trên diện tích hơn 6.000 m2 và một diện tích tương đương dành để trồng các loại cây trồng khác cho thu nhập hơn một tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh sự am hiểu thị trường, các nhà nông chuyên nghiệp còn áp dụng kỹ thuật canh tác và giống cây trồng mới cho năng suất cao dưới sự hỗ trợ của đội ngũ kỹ sư nông nghiệp. Ông Toản, người trồng giống cà chua theo phương pháp bán thủy canh cho biết, trung bình mỗi cây cho khoảng từ 7 đến 8 kg, giống cà tím mới ông đang canh tác cũng cho năng suất cao từ 4 đến 5 tấn mỗi ngày vào chính vụ cao hơn giống thường từ 1,5 tấn đến 2 tấn trên cùng diện tích. Ðặc biệt, canh tác theo tiêu chuẩn mới giúp nhà nông giảm thiểu chi phí vật tư đồng thời kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn.
Cái lợi lớn nhất từ những thay đổi này là giúp các nhà nông có được sự tin tưởng từ các công ty thu mua lớn tạo đầu ra ổn định. Ông Toản cho biết thêm, mỗi ngày ông đáp ứng đơn hàng cho Công ty Metro từ 1 đến 2 triệu đồng dịp chính vụ có thể lên đến 15 triệu đồng mỗi ngày, lợi nhuận riêng với đối tác này khoảng 450 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, 20 chủ trang trại khác chung nhóm sản xuất với ông Toản cũng rất tự hào về thành công của mình khi làm việc với đối tác này.
Ngoài việc phối hợp cùng các chuyên gia nông nghiệp Hà Lan đào tạo và hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng giống mới, cải tạo năng suất, chất lượng và hỗ trợ đầu ra, công ty Metro còn phối hợp với nông dân lập kế hoạch sản xuất theo năm nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất. "Từ khi hợp tác với Metro, tôi đã học hỏi thêm cách sử dụng máy tính, email và nhận đơn hàng qua in-tơ-nét. Nhờ sản xuất và tiêu thụ ổn định tôi có thể lo cho cả bốn đứa con được đi học. Ðứa lớn nhất đang học đại học trên thành phố", ông Toản chia sẻ.
Sự bắt tay giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp đã tạo ra hiệu quả cao trong việc phát triển kinh tế. Cách làm nông hiện đại của những nông dân chuyên nghiệp này thể hiện một định hướng phát triển bền vững phù hợp với xu thế chung của thị trường. "Cái cần là phải có sự yêu nghề, không ngừng học hỏi kỹ thuật canh tác hiện đại và tìm được đối tác có uy tín thì làm giàu từ nghề nông không khó", bà Cúc chia sẻ bí mật làm giàu của mình.
Theo @ nguontinviet.com