Hạt giống vẫn có… hóa chất độc hại
Gần đây, tại nhiều nơi, có xu hướng tự trồng rau mầm để sử dụng do các sản phẩm, thực phẩm trên thị trường liên tục bị phát hiện chứa dư lượng hoặc vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở đứng ra thực hiện dịch vụ cung ứng hạt rau mầm cho các cơ sở sản xuất rau mầm. Thế nhưng, theo tìm hiểu thì các hạt rau mầm lại có nguồn gốc không rõ ràng và chứa nhiều kim loại nặng hoặc chất bảo quản, bảo vệ thực vật...
Để mua hạt rau mầm hiện nay không khó, giá các loại hạt giống rau mầm khá rẻ, chỉ từ 15.000 - 30.000 đồng/gói tùy từng loại. Thế nhưng, phần lớn các loại hạt giống rau mầm hiện nay đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN-PTNT đã từng phát hiện nhiều vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm có liên quan tới rau mầm, đặt biệt là giá đỗ tại TPHCM. Nhưng theo các nhà khoa học, đáng lo ngại nhất đối với rau mầm lại nằm ở hạt giống và vi sinh vật trong quá trình gieo trồng chứ không phải thuốc kích thích, đặc biệt là vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong hạt giống.
Trên các loại hạt giống rau củ hiện nay người ta tìm thấy 3 loại hoạt chất chủ yếu gồm Chlorpyrifos Ethyl, Mancozeb và Carbendazim. Đây là 3 hoạt chất dùng để xử lý nấm, mốc và sâu bệnh. Trong đó, hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl thuộc nhóm độc II, yêu cầu thời gian cách ly là 7 - 14 ngày và nó chỉ được đăng ký sử dụng trên một số cây trồng như lúa, cây công nghiệp (cà phê, điều), đậu, lạc, không đăng ký sử dụng trên rau, chè. Còn Mancozeb là hoạt chất trị nấm. Carbendazim đang chiếm 60% thị trường thuốc bảo vệ thực vật và được thừa nhận là hoạt chất gây vô sinh.
Chưa thể quản lý
Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, mỗi năm Việt Nam bỏ ra khoảng 200 triệu USD để nhập khẩu hạt giống rau, củ về Việt Nam. Thị trường hạt giống rau, củ Việt Nam hiện nhập khẩu tới 80%, trong đó lượng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 90%. Trong khi đó Việt Nam gần như chưa có doanh nghiệp nào sản xuất hạt giống rau, củ mà chủ yếu là đi nhập về để phân phối cho người tiêu dùng hoặc nông dân.
GS-TS Trần Khắc Thi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương cho biết, tất cả các loại hạt giống rau, củ sau khi thu hoạch đều phải qua xử lý thuốc để chống nấm, chống mốc, sâu bệnh và kéo dài thời gian sử dụng; trừ một số loại hạt giống rau trong nước mà nông dân tự sản xuất, tự cung tự cấp trong một phạm vi hẹp, nhưng tỷ lệ này không nhiều. “Để đảm bảo an toàn thì hạt giống để làm rau mầm không được xử lý qua thuốc bảo vệ thực vật. Vì thời gian gieo trồng của loại rau này chỉ có 4 - 7 ngày. Đồng thời do không đảm bảo môi trường đủ ánh sáng nên nếu dùng thuốc bảo vệ thực vật hoặc kích thích thì sẽ không thể phân hủy hết thuốc tồn dư trên hạt giống, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng”, GS-TS Trần Khắc Thi cho biết.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng Bộ môn công nghệ sinh học - Viện Nghiên cứu rau quả thì có một số hoạt chất dùng để xử lý hạt giống rau củ sẽ dễ phân hủy nhưng có nhiều loại rất khó phân hủy, phải cần thời gian rất lâu trong môi trường đất, nước mới phân hủy hết. Một số hạt giống nhập khẩu từ các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Pháp… đều có ghi rất rõ trên bao bì là đã xử lý bằng các hoạt chất gì, thời gian cần cách ly bao lâu, nhưng hạt giống nhập khẩu từ Trung Quốc thường lập lờ về thông tin. Ông Trần Ngọc Hùng cho biết: “Phần lớn hạt giống mà Việt Nam đang nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là các loại hạt cải vì giá thành rẻ, trong nước không doanh nghiệp nào muốn sản xuất. Thay vào đó, họ nhập khẩu về phân phối lại cho lợi nhuận cao hơn”
Hiện nay hạt rau mầm chủ yếu là hạt cải và nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quy định về hạt giống rau, củ của Bộ NN-PTNT không có quy định riêng về hạt giống rau mầm và hạt giống rau, củ gieo trồng dài ngày. Bộ NN-PTNT sẽ xem xét để siết lại vấn đề an toàn thực phẩm đối với rau mầm trên thị trường.
Trong khi chờ các nhà quản lý can thiệp thị trường, người dùng nên tự bảo vệ bằng cách chọn mua rau mầm từ các shop nhập khẩu hạt giống uy tín.